Truy cập nội dung luôn
SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Kinh tế biển xanh – hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển

16/05/2022 08:14    251

Đại dương bao phủ chiếm hơn 3/4 diện tích trái đất và hấp thụ đến 30% lượng khí CO2 do con người tạo ra. Đại dương đóng góp vai trò rất to lớn đến đời sống của con người, trong đó đặc biệt là kinh tế đại dương; hiện nay kinh tế đại dương đóng góp khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm, tức 5% GDP của cả thế giới bao gồm các ngành chính như: dầu khí, vận tải biển, cảng, năng lượng tái tạo, thủy sản, hệ sinh thái biển và du lịch biển. 

Tại Việt Nam có đường bờ biển trải dài hơn 3.260 km, trong đó 28/63 tỉnh, thành phố có biển, kinh tế biển dự kiến sẽ đóng góp từ 65%-70% GDP cho Việt Nam từ nay đến năm 2030 (theo Nghị quyết 36).

Tuy nhiên ngày nay, đại dương đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, rủi ro và thách thức, điển hình như biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, rác thải nhựa biển,…. mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển đe dọa đến nguồn tài nguyên thiên nhiên biển.

Trước những thách thức nêu trên, từ ngày 12/5-13/5/2022, tại Thủ đô Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Na Uy đã đồng tổ chức Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội đã thảo luận về những cơ hội trong việc thúc đẩy sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển cũng như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng do COVID-19 gây ra.

Ngoài ra, tại Hội nghị cũng đồng thời công bố Báo cáo kinh tế biển xanh mang tên “Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển” nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế biển xanh, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 36/NQ-TW về Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung Báo cáo bao gồm có 6 ngành kinh tế biển chính là: ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái với hai kịch bản cơ sở và kịch bản xanh lam được xây dựng với mục đích tối ưu hóa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường.

Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, các ngành kinh tế biển chủ chốt bị tác động rất lớn, lao động nghề biển quy mô nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì vậy cần thiết phải thúc đẩy phục hồi kinh tế biển xanh một cách bền vững, công bằng, đáp ứng nhu cầu cả hành tinh và con người, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.

Biển Sa Cần tỉnh Quảng Ngãi

 

 

Nguồn tin: Phòng Biển Hải Đảo

Nguyễn Thị Thanh Nga

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 2062

Tổng số lượt xem: 1596604